Xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nâng cao vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử là mục tiêu hướng tới đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặt ra đối với các cơ quan bộ, ngành. Muốn làm được điều đó một cách hiệu quả, trước tiên cần phải nâng cao chất lượng công việc của cán bộ công chức – viên chức nhà nước.

Nhưng làm sao để có thể nâng cao chất lượng công việc và đánh giá một cách chính xác kết quả làm việc của cán bộ Nhà nước lại là bài toán không dễ xử lý. Giải pháp nhanh, hiệu quả và công bằng nhất, đó là số hóa chất lượng công việc thông qua các tiêu chí KPI. Tuy nhiên, vì tính đặc thù trong môi trường công chức – viên chức nên để đưa KPI vào cuộc sống cũng còn rất nhiều nan giải.

Xuất phát từ đòi hỏi của Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khi đặt mục tiêu Bộ TTTT phải là Bộ đi đầu, làm nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng, vai trò hạt nhân đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, theo kịp thời đại. Bộ TTTT phải dùng công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có đánh giá cán bộ, giải quyết vấn đề tham nhũng... Nếu làm được điều này, Bộ TTTT sẽ là đơn vị đi đầu trong các bộ ngành thực hiện lượng hóa đưa ra các chỉ số đo lường hiệu quả công việc.

Hồi đầu tháng 8.2018, Bộ TTTT đưa ra yêu cầu trong quý III năm 2018, tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đều phải xây dựng KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) để quản lý, so sánh, đánh giá hiệu quả các văn bản, chính sách đã ban hành, từ đó có những đánh giá định kỳ. Kết quả đo lường phải được công bố công khai. Và từ 1.10.2018, nếu các đơn vị không có các KPI coi như vi phạm khuyết điểm.

Hãy bắt đầu từ KPI!

Phóng viên Báo Lao Động đã có buổi trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Phương – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ TTTT) để tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi khi là đơn vị đi đầu thực hiện chấm điểm KPI.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TTTT thì bắt đầu từ ngày 1.10, tất cả các đơn vị của Bộ sẽ thực hiện chấm KPI, tới nay công tác này đã được triển khai ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, các đơn vị đã có quy định tạm thời (dự thảo) để triển khai chứ chưa ban hành gì chính thức. Tức là các đơn vị tự dự thảo ra, thí điểm nội bộ trước khi tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ.

Là Bộ mở đầu nhiệm vụ này, ông đánh giá việc xây dựng các bộ tiêu chí KPI tại một cơ quan nhà nước như Bộ TTTT có những đặc thù như thế nào?

- Vì là đặc thù là công chức nên việc xây dựng, thực hiện, triển khai khó hơn các mô hình KPI khác. Để xây dựng một bộ KPI hoàn chỉnh thì Bộ TTTT phải căn cứ dựa trên Luật cán bộ Công chức và theo Nghị định 56 của Chính phủ về đánh giá phân loại cán bộ công chức. Mà Nghị định 56 hướng dẫn đánh giá, phân loại cán bộ công chức hàng năm. Bây giờ mình ban hành một quy trình đánh giá hàng tháng nên phải phù hợp với Nghị định của Chính phủ. Các đánh giá hàng tháng phải là cơ sở để đánh giá cả năm. Công chức không phải như doanh nghiệp, không thể tự đặt ra các quy chế và đưa ra chỉ tiêu. Bởi vậy, chúng tôi đã đưa ra các gợi ý để anh em xây dựng.

Vậy khung cơ bản của bộ KPI do Bộ TTTT xây dựng sẽ gồm các phần chính nào và tiêu chí ra sao thưa ông?

- Tinh thần là chúng tôi phân thành 3 nội dung. Nội dung thứ nhất là về thái độ phục vụ của một cán bộ công chức. Nội dung thứ hai là phần kỹ năng, thiên về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý lĩnh vực. Nội dung thứ ba là mức độ hoàn thành công việc. Chúng tôi đưa ra thang điểm là 100 điểm cho 3 nội dung ấy.

Theo Nghị định 56 để đánh giá cán bộ công chức phân thành 4 hạng: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Việc đưa ra thang điểm 100 để đánh giá từ 90 – 100 là mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; từ 70 – 89 là hoàn thành tốt; từ 69 – 50 là hoàn thành; dưới 50 điểm là không hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy là 3 nội dung đã nói phải có độ phân bổ điểm. Hai nội dung đầu dự kiến khoảng 20 điểm cho 1 nội dung. Ví dụ như thái độ phục vụ, chấp hành giờ giấc nội quy cơ quan; thứ hai là kỹ năng như chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; còn thứ ba là phần công việc cụ thể, phải mô tả vị trí việc làm và thực thi. Ví dụ như hàng tháng đã làm được bao nhiêu việc, bao nhiêu việc đúng hạn, đảm bảo chất lượng... trên cơ sở ấy cho điểm. Dự kiến thang điểm của nội dung thứ 3 là 60 điểm. Nếu muốn hoàn thành xuất sắc thì 2 nội dung đầu phải đạt 100%, công việc phải đạt 50 điểm nữa thì mới được 90 điểm trở nên.

Tới nay Bộ đã xây dựng được những nền tảng gì rồi thưa ông?

- Thực ra việc xây dựng KPI của đơn vị thì chúng tôi đã hoàn thành rồi. Chúng tôi đã xây dựng bộ chỉ số cải cách hành chính của từng đơn vị. Hiện chúng tôi đã có phê duyệt bản mô tả vị trí việc làm đến từng vị trí trong đơn vị. Bước tiếp theo là chúng tôi xây dựng KPI đến từng cán bộ công chức. Tôi nghĩ rằng nếu hệ thống ấy mà vận hành sẽ là một trong những tiêu chí để làm cơ sở đổi mới thực hiện các nghiệp vụ công vụ. Việc đưa ra các chỉ số đến từng cán bộ công nhân viên vừa được khởi động từ tháng trước và dự kiến giữa tháng này có cái kiểm tra thí điểm.

Theo ông, khó khăn trong công tác xây dựng và khả năng hiện thực hóa các tiêu chí KPI của Bộ được đánh giá như thế nào?

- Về thuận lợi, công chức thì công việc khá ổn định, không nhiều biến động nên việc thay đổi các tham số, tiêu chí chấm điểm KPI sẽ không bị xáo trộn nhiều như đối với viên chức hoặc các doanh nghiệp. Có khi có người trong tháng không có công việc gì do đặc thù công việc, ví dụ như người được giao làm về công tác lên lương nhưng tháng ấy không có ai lên lương nên phải nhìn nhận họ đạt điểm tối đa của việc ấy. Bên Bộ TTTT thì tất cả các quy trình công việc trong đơn vị đều có ISO hết rồi, còn đánh giá đến từng con người là bước cuối cùng.

Nếu là doanh nghiệp thì có thể dễ dàng và nhanh chóng xây dựng được kế hoạch KPI, thậm chí không làm được có thể thuê tư vấn làm theo đánh giá theo các chỉ số làm cơ sở trả lương. Nhưng công chức thì không thể cắt lương họ được. Ngoài ra, như đã nói ở trên, chúng ta cần phải xây dựng các tham số dựa trên Luật Cán bộ công chức và Nghị định 56.

Một khó khăn khác có thể đến khi bộ KPI đã đi vào thực tế, đó là công việc đôi khi có những phát sinh ngẫu nhiên mà không thể biết trước được để giao chỉ tiêu KPI cho nhân viên. Khi việc xảy đến rất khó giao vì họ không nhận do các chỉ tiêu KPI không quy định trách nhiệm của họ, nếu làm được thì không sao, không làm được thì sẽ bị trừ điểm KPI. Nhưng trên thực tế việc đến lãnh đạo giao thì phải làm.

Bởi vậy đối với công chức thì các tham số KPI đưa ra phải được lượng hóa và có lộ trình. Nhưng không có nghĩa là khó thì không làm.

Xin cảm ơn ông!

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, việc áp KPI tại một cơ quan nhà nước như Bộ TTTT là một sự thay đổi tư duy và nên làm. Các tiêu chí đặt ra trước hết phải là hệ thống tiêu chí về việc làm trên cơ sở phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan đơn vị. Từ chức năng định ra nhiệm vụ để định ra khối lượng công việc và cuối cùng là định ra số lượng nhân sự. Thứ hai là hệ thống tiêu chí về năng lực, chỉ số năng lực trí tuệ, khả năng giải quyết công việc. Thứ ba là bộ tiêu chí về hành vi, tuân thủ các quy định của cơ quan và các thời hạn kết thúc công việc. Thứ tư là thái độ làm việc nhóm, sự tương trợ và hợp tác với đồng nghiệp. Quan trọng nhất là tiêu chí về sản phẩm đầu ra, sản phẩm đầu ra chính là hệ thống tiêu chí để đánh giá cuối cùng mức độ hoàn thành nhiệm vụ đạt yêu cầu đến đâu, về chỉ số thời gian, đáp ứng nhu cầu, trong đó có cả ảnh hưởng đến uy tín cơ quan.

Theo Laodong.vn

ĐĂNG KÝ SỬ DỤNG iHCM

Mẫu đánh giá thành tích và năng lực